Asset Allocation - Phân bổ tài sản dưới góc nhìn chu kỳ kinh tế

Thảo luận trong 'Thảo luận chung' bắt đầu bởi Erikvan, 1/1/19.

Lượt xem : 2,796

  1. Erikvan

    Erikvan The Auror

    Tham gia ngày:
    31/12/18
    Bài viết:
    233
    Đã được thích:
    65
    Giới tính:
    Nam
    Asset-allocation--Phan-bo-tai-san-duoi-goc-nhin-chu-ky-kinh-te-5.jpg

    Thân chúc các anh chị em một năm 2019 với nhiều điều may mắn!

    Trong bài này, người viết muốn giới thiệu góc nhìn về phân bổ tài sản - Asset allocation mà theo cơ sở thực nghiệm đã cho thấy chính cách thức lựa chọn theo nhóm ngành hay phân lớp tài sản nào sẽ quyết định đến 90% biến động lợi nhuận trong danh mục của nhà đầu tư. (*)
    Phân bổ tài sản (Asset allocation) đơn giản là cách thức đưa ra quyết định phân chia nguồn lực cho các lớp tài sản khác nhau (Asset classes) cho mục đích đầu tư. Sự phân bổ tài sản hợp lý sẽ là cách hiệu quả để nhà đầu tư quản lý rủi ro trong danh mục tùy thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro, thời gian nắm giữ và mục tiêu của tài chính cụ thể.

    VẬY PHÂN BỔ TÀI SẢN LÀ NHƯ THẾ NÀO? CÁC PHÂN LỚP TÀI SẢN CÓ ĐẶC ĐIỂM GÌ?
    Thông thường, các loại tài sản đầu tư sẽ được phân chia thành 3 lớp chính bao gồm với mức nhạy cảm với rủi ro tăng dần:
    (1)Tiền và các khoản tương đương tiền.
    (2)Những hình thức đầu tư đem lại thu nhập cố định: Trái phiếu, lãi tiền gửi
    (3)Hình thức đầu tư vào các công cụ vốn như: cổ phiếu hay các chứng chỉ quỹ.

    Mỗi lớp tài sản thường được kỳ vọng sẽ có mức độ rủi ro và lợi nhuận kỳ vọng khác nhau, do đó mỗi loại thường sẽ phản ứng khác nhau trước những sự biến động trong một giai đoạn. Ví dụ, cổ phiếu thường được đánh giá là rủi ro hơn trái phiếu nhưng chúng lại hứa hẹn đem lại lợi suất kỳ vọng cao hơn trong dài hạn.
    Asset-allocation--Phan-bo-tai-san-duoi-goc-nhin-chu-ky-kinh-te.jpg

    Tùy thuộc theo từng mục đích và thời điểm khác nhau mà nhà đầu tư có thể lựa chọn cách thức phân bổ tài sản phù hợp. Trong trường hợp có nhà đầu tư trẻ muốn tiết kiệm tiền cho chuẩn bị cho sự nghỉ hưu sau này, với nhiều thời gian trước khi muốn rút tiền đầu tư, người này có thể cân nhắc phân bổ danh mục của mình nhiều hơn vào các công cụ vốn với cơ cấu 60% chứng khoán vốn và 40% là công cụ có lãi suất cố định. Tuy nhiên, khi càng gần đến tuổi xế chiều và giai đoạn rút tiền cho việc nghỉ ngơi đã đến gần, danh mục sẽ có thể thay đổi khi đánh đổi giữa tiềm năng tăng trưởng cao về một cợ cấu tạo ra những dòng thu nhập ổn định và đều đặn hơn với 40% chứng khoán vốn và 60% công cụ có lãi suất cố định.

    Asset-allocation--Phan-bo-tai-san-duoi-goc-nhin-chu-ky-kinh-te-1.jpg

    Trải qua nhiều giai đoạn, hiệu quả phân bổ tài sản thường được thúc đẩy bởi các yếu tố mang tính chu kỳ gắn liền với trạng thái của nền kinh tế như thu nhập của doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất và lạm phát. Chu kỳ kinh tế (Business cycle) bao gồm các biến động theo chu kỳ trong vòng nhiều tháng hay nhiều năm là yếu tố quyết định quan trọng đến tỷ suất sinh lời thị trường hay hiệu quả phân bổ tài sản.

    Thường mỗi chu kỳ kinh tế sẽ có những đặc trưng riêng, tuy nhiên một số những hình mẫu hay lặp lại trong suốt những giai đoạn đã xảy ra trong quá khứ. Theo đó, những biến động trong chu kỳ kinh tế là những thay đổi đặc trưng trong mặt bằng lợi nhuận của doanh nghiệp, tăng trưởng tín dụng cũng như thay đổi trong tỷ lệ thất nghiệp hay chính sách tiền tệ.

    Chu kỳ kinh tế (Business Cycle) và Phân bổ tài sản (Asset Allocation)

    Thông thường, một chu kỳ kinh tế sẽ hình thành từ 4 giai đoạn chính đặc trưng (phase):

    -Giai đoạn đầu kỳ (Early cycle phase): Giai đoạn phục hồi nhanh chóng từ suy thoái trước đó, được đánh dấu bởi sự thay đổi từ tiêu cực thành tích cực trong hoạt động kinh tế (sản phẩm quốc nội, sản xuất công nghiệp). Các điều kiện tín dụng cũng như chính sách tiền tệ được nới lỏng, đồng thời tình trạng tồn kho trong nền kinh tế ở mức thấp trong khi doanh thu tăng trưởng mạnh mẽ.

    -Giai đoạn giữa kỳ (Mid-cycle phase): Thường là giai đoạn kéo dài nhất của một chu kỳ kinh tế. Giai đoạn giữa nối tiếp sự tích cực của các yếu tố trong giai đoạn trước tuy tốc độ có phần ổn định hơn. Lúc này các hoạt động kinh tế đã tạo được đà tăng, tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế bắt đầu mạnh mẽ. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nền kinh tế đều ăn nên làm ra và có tỷ suất sinh lời tốt với nền tảng chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, dần dần hàng tồn kho và doanh số cùng tăng trưởng đạt đến điểm cân bằng.

    -Giai đoạn cuối kỳ (Late-cycle phase): Đặc trưng cho việc sau một giai đoạn tăng trưởng quá nóng, nền kinh tế sẵn sàng rơi vào suy thoái. Lúc này tốc độ tăng trưởng kinh tế có phần chậm lại với nền tảng hạn chế chính sách tiền tệ, thắt chặt tín dụng và biên lợi nhuận kỳ vọng của công ty. Trong lúc này, tồn kho trong nền kinh tế vẫn tăng trong khi doanh số bắt đầu có tín hiệu suy giảm.

    - Giai đoạn suy thoái (Recession phase): Bắt đầu với tín hiệu các hoạt động trong nền kinh tế thu hẹp dần, lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm và tín dụng thì khan hiếm cho hầu hết các ngành nghề trong nền kinh tế. Chính sách tiền tệ thích ứng (accommodative) lúc này được thực hiện nhằm cung cấp thêm cung tiền cho nền kinh tế. Đồng thời, tồn kho trong nền kinh tế tiếp tục giảm dù doanh số bán hàng vẫn duy trì ở mức thấp là tín hiệu bắt đầu cho một đợt phục hồi tiếp theo.

    Asset-allocation--Phan-bo-tai-san-duoi-goc-nhin-chu-ky-kinh-te-2.jpg
    Source: Fidelity Investments

    Nhìn chung, hiệu suất của tài sản nhạy cảm rủi ro đồng nghĩa với tỷ suất sinh lời của các công cụ tài chính như cổ phiếu sẽ tăng trưởng mạnh trong suốt giai đoạn đầu của chu kỳ kinh tế và đi vào ổn định xuyên suốt những giai đoạn sau cho đến khi bước vào chu kỳ suy giảm. Ngược lại, những tài sản mang tính phòng thủ như trái phiếu sẽ có diễn biến đối nghịch khi đạt lợi suất cao trong giai đoạn suy giảm và có lợi suất thấp trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi.

    Dựa vào chuyển biến trong chu kỳ kinh tế, nhà đầu tư có thể thực hiện cách phân bổ tỷ trọng ưu tiên hơn vào những tài sản có triển vọng khả quan đặc trưng trong giai đoạn và hạ tỷ trọng đối với những tài sản kém khả quan. Ví dụ như, trong một chu kỳ kinh tế có tín hiệu suy giảm thì nhà đầu tư nên tập trung vào việc nắm giữ tiền mặt hay các hình thức đầu tư đem lại tỷ suất sinh lời ổn định như tiền gửi hoặc các loại trái phiếu.

    Tuy nhiên, xét trên góc độ phân bổ tài sản theo lĩnh vực kinh tế thì mỗi giai đoạn trong chu kỳ kinh tế lại đem đến những thuận lợi và khó khăn cho từng ngành cụ thể.
    Đôi khi trong cùng một giai đoạn sẽ có những ngành nghề tích cực hơn những ngành còn lại và điều đó sẽ đem lại lợi nhuận nếu nhà đầu tư biết phân bổ hợp lý nguồn lực của mình.

    Asset-allocation--Phan-bo-tai-san-duoi-goc-nhin-chu-ky-kinh-te-3.jpg
    Kinh tế suy thoái là điều mà không nhà đầu tư nào trong đợi, đặc biệt ở Việt Nam thời điểm hiện tại khi mà VNINDEX cũng đã suy giảm gần 25% từ đỉnh tháng 4/2018. Với việc suy giảm thị trường chứng khoán cũng có thể đã là một chỉ báo sớm báo hiệu sự suy thoái trong một chu kỳ kinh tế. Tuy không quá bi quan khi trông đợi về một chu kỳ giảm, nhưng bản thân nhà đầu tư cũng cần có những chiến lược cụ thể để ứng phó với những kịch bản bất ngờ của thị trường.

    Đối với thị trường chứng khoán, như trong bảng thống kê mô tả ở trên, những ngành tài chính, công nghệ và công nghiệp là những ngành dẫn sóng với tỷ suất sinh lời cao trong giai đoạn đầu và giữa của chu kỳ kinh tế. Tuy nhiên, giai đoạn cuối và giai đoạn suy thoái, lực lượng này lại hứng chịu nhiều tín hiệu tiêu cực nhất từ sự ảnh hưởng tính chu kỳ. Trong khi đó, nhóm ngành hàng thiết yếu, nhóm ngành tiện ích lại cho thấy chúng là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong suốt quá trình suy thoái diễn ra.


    (*) Ibbotson, Roger G., and Paul D. Kaplan. 2000. “Does Asset Allocation Policy Explain 40, 90, or 100 Percent of Performance?” Financial Analysts Journal, vol. 56, no.1 (January/February): 26–33
    Happy new year and Hope the best Luck be with you!
     

Lượt bình luận : 0

Chia sẻ trang này