CPTPP chính thức đi vào thực thi: Cơ hội và khả năng

Thảo luận trong 'Thảo luận chung' bắt đầu bởi Nguyễn Khánh Ngọc, 14/1/19.

Lượt xem : 1,818

  1. Nguyễn Khánh Ngọc

    Nguyễn Khánh Ngọc Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    28/10/18
    Bài viết:
    476
    Đã được thích:
    20
    Giới tính:
    Nam
    CPTPP-chinh-thuc-di-vao-thuc-thi.jpg

    Bắt đầu từ 14/01, các dòng thuế chính thức được cắt giảm giữa các thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu cho hầu hết biểu thuế quan nhập khẩu của quốc gia mình.


    Hiệp định CPTPP hình thành một khu vực kinh tế tự do rộng lớn với thị trường 500 triệu dân, với GDP cả khối chiếm 13% GDP toàn cầu, trong đó có Nhật Bản là nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới. Hiệp định thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ cho nhiều lĩnh vực, từng bước cắt giảm thuế quan cho những hàng hóa nông-công nghiệp.

    Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết nhờ vào cắt giảm thuế quan, CPTPP có khả năng thúc đẩy GDP tăng thêm 1,32%, tương đương 1,7 tỷ USD. Với giả định mức tác động lũy tiến đến năm 2035, trung bình mỗi năm GDP tăng thêm khoảng 0,016%, tương đương khoảng 0,02 tỷ USD/năm. Đồng thời kim ngạch xuất khẩu cũng hưởng lợi, tăng hơn 4%, tương đương 4,09 tỷ USD so với lúc không có CPTPP.

    Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp định còn giúp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm thiểu rủi ro cho hàng hóa Việt Nam.

    Theo World Bank, CPTPP kỳ vọng thúc đẩy cải cách tại Việt Nam trong các lĩnh vực như cạnh tranh, dịch vụ (bao gồm dịch vụ tài chính, viễn thông, và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, các vấn đề pháp lý, cơ hội tiếp cận thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại.

    Đa phần các thành viên CPTPP áp dụng 1 mức thuế nhập khẩu chung cho tất cả các đối tác khác, riêng 1 số nước như Canada, Chile, Nhật Bản, Mexico lại áp dụng biểu thuế nhập khẩu cụ thể cho mỗi thành viên CPTPP.

    Trong hiệp định, có 3 nhóm chính đối với các cam kết về xóa bỏ và cắt giảm thuế quan nhập khẩu trong CPTPP:

    Một là, nhóm được xóa bỏ thuế ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

    Hai là, nhóm được xóa bỏ thuế theo lộ trình. Đây là những dòng thuế nhập khẩu sẽ được đưa về 0% sau một khoảng thời gian nhất định. Theo CPTPP, phần lớn có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu 3-7 năm, nhưng với vài trường hợp, lộ trình có thể trên 10 năm. Ngoài ra, có một số rất ít dòng thuế có lộ trình trên 20 năm.

    Ba là, nhóm áp dụng hạn ngạch thuế quan. Đối với nhóm mặt hàng này, thuế nhập khẩu chỉ xóa bỏ hoặc cắt giảm với 1 khối lượng hàng hóa nhất định. Nếu khối lượng nhập khẩu vượt quá lượng hạn ngạch trong biểu cam kết thì mức thuế áp dụng sẽ cao hơn, hoặc không được hưởng ưu đãi.

    Những mặt hàng chủ lực được hưởng lợi ngay lập tức

    Các thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam, tùy theo cam kết của mỗi quốc gia. Hầu hết hàng hóa Việt Nam nhập khẩu vào các quốc gia thành viên khác sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu hoàn toàn ngay khi CPTPP có hiệu lực hoặc theo lộ trình.

    Theo Bộ Công Thương có đến 78% kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước ta sang Canada sẽ nhận được mức thuế 0% ngay khi CPTPP hiệu lực hoặc được hưởng mức cắt giảm 75% so với mức thuế suất hiện tại. Riêng giày da lần đầu tiên được Nhật Bản cam kết sẽ giảm dần đều và xóa bỏ thuế nhập khẩu vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với Mexico và Peru giày dép cũng có mức thuế nhập khẩu giảm dần đều và xóa bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

    Đối với mặt hàng thủy sản sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực khi nhập khẩu vào Canada và Nhật Bản. Nhiều mặt hàng thủy sản nếu trước đây chưa được cam kết xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Việt Nam - Nhật Bản và Hiệp định ASEAN - Nhật Bản thì sẽ được hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó một số loài cá tuyết, surimi, tôm, cua ... sẽ được hưởng thuế suất 0% ngay khi CPTPP có hiệu lực. Cá tra, cá basa là mặt hàng thủy sản duy nhất xuất khẩu lớn sang Mexico có mức thuế về 0% vào năm thứ 3 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

    Đối với gạo, sẽ có khả năng tiếp cận và tăng trưởng tại thị trường Canada khi được hưởng thuế suất 0%. Mexico cũng là thị trường mới, nhập khẩu khoảng 70.000 tấn/năm, sẽ có mức thuế 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Nhật Bản vẫn chịu sự điều chỉnh bởi hạn ngạch thuế quan theo cam kết của Nhật Bản trong WTO. Song Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi giá trị gạo nhằm cải thiện khả năng gạo nước ta trúng thầu hạn ngạch thuế quan WTO của Nhật.

    Với cà phê, chè, hạt tiêu, hạt điều sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Riêng Mexico, cà phê hạt Robusta sẽ hưởng mức thuế 0% vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, cà phê hạt Arabica và cà phê chế biến sẽ giảm mức thuế suất 50% so với mức thuế hiện hành vào năm thứ 5 và năm thứ 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực.

    Về đồ gỗ nội ngoại thất khi nhập khẩu vào Canada, Peru sẽ có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

    Tương tự, Việt Nam cũng đưa ra cam kết một biểu thuế chung cho tất cả thành viên CPTPP, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.

    Riêng một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, Việt Nam có lộ trình trên 10 năm như bia, rượu, thịt gà, sắt thép, ôtô con dưới 3.000 phân phối. Nước ta áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với đường, trứng, muối (nằm trong lượng hạn ngạch WTO) và ôtô đã qua sử dụng.

    Nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa sẵn sàng

    Các doanh nghiệp Việt Nam còn bối rối trước Hiệp định CPTPP do sức mạnh nội tại còn yếu. Bộ Công thương thống kê có trên 86% doanh nghiệp biết đến hiệp định, tuy nhiên chưa nắm rõ nó sẽ tác động ra sao đến sản xuất, kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng để hội nhập quốc tế dù có hàng chục FTA đang thực thi tại Việt Nam.

    Bà Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan từ các FTA của doanh nghiệp trong nước chỉ đạt trung bình 30%-35%. Xuất phát từ lý do các doanh nghiệp không biết về những cơ hội thuế quan này, không hiểu về điều kiện quy tắc xuất xứ để hàng hóa được hưởng thuế ưu đãi cũng như làm sao để tuân thủ các thủ tục phức tạp.

    Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cũng quan ngại khi bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của World Bank vừa công bố thì Việt Nam ở vị trí 69 toàn cầu và nằm vị trí cuối bảng trong 11 nền kinh tế thành viên CPTPP.

    "Khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Số DN ngừng hoạt động hoặc giải thể đang tăng lên trong thời gian gần đây cho thấy rõ điều này. CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thêm việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân, cơ hội để đa phương hóa các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế của nước ta thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Nhưng tất cả mới chỉ là cơ hội và có thể không trở thành hiện thực" - Ông Lộc bày tỏ lo lắng.

    Cũng theo Chủ tịch VCCI, Việt Nam đã có bài học trong việc thực hiện 10 FTA hiện có khi đã từng kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội song lợi ích thực tế đạt được vẫn khiêm tốn. Trong chưa đầy 40% lợi ích thuế quan nước ta tận dụng được từ FTA thì gần như đa phần thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

    Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương nhận xét cần tiếp tục lưu ý tới vài sản phẩm nông nghiệp mà một số thành viên CPTPP có thế mạnh nhưng nước ta lại cạnh tranh yếu hơn như thịt heo, thịt gà. Một số hàng hóa công nghiệp mà các quốc gia CPTPP có thế mạnh cũng có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất trong nước như giấy, thép, ôtô.

    "Chính phủ đã ban hành 3 nghị định theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ... Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam đã quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với các công nghệ sản xuất và quản lý tiên tiến trên thế giới. Với các sản phẩm khác, giải pháp chủ yếu là kéo dài lộ trình giảm thuế để có thời gian tái cơ cấu sản xuất trong nước. Tuy nhiên, cần tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới, bị động, lúng túng khi thách thức đến" - Ông Thái nhấn mạnh.

    Bên cạnh đó, các ngành được đánh giá có lợi thế top đầu khi CPTPP có hiệu lực thì lo lắng nhất là vấn đề nguồn gốc. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM nhận định tuy đã chuẩn bị cho hiệp định nhưng để "nhập cuộc" và tận dụng được lợi thế thì doanh nghiệp chưa đáp ứng được. "Doanh nghiệp đã cố gắng hạn chế nguyên liệu nhập khẩu nhưng vẫn phải nhập trên 60% nguyên phụ liệu nước ngoài, trong đó 50% từ Trung Quốc" - ông Hồng cho biết.

    Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết CPTPP không chỉ là về cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường... mà còn đưa ra yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe về minh bạch hóa, bảo hộ sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp. Do đó, an toàn vệ sinh thực phẩm là tiêu chí hàng đầu đối với doanh nghiệp thủy sản, tiếp đến là chất lượng và giá cả.

    "Mở cửa các thị trường lớn sẽ kéo theo tăng trưởng nông nghiệp nhưng rào cản kỹ thuật sẽ thắt chặt hơn. Người nuôi trồng cần đầu tư quy trình khép kín, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường và trách nhiệm xã hội" - Ông Hòa nhận xét.


    Xem thêm:

    >> Dragon Capital và Vietnam Holding thay đổi khẩu vị, đầu tư mạnh vào nhóm bất động sản
     
  2. Đang tải...


Lượt bình luận : 0

Chia sẻ trang này