Kinh tế Việt Nam với những kỷ lục ấn tượng trong năm 2018

Thảo luận trong 'Tin tức kinh tế - xã hội' bắt đầu bởi Nguyễn Khánh Ngọc, 29/12/18.

Lượt xem : 1,643

  1. Nguyễn Khánh Ngọc

    Nguyễn Khánh Ngọc Well-Known Member

    Tham gia ngày:
    28/10/18
    Bài viết:
    476
    Đã được thích:
    20
    Giới tính:
    Nam
    kinh-te-viet-nam-voi-nhung-ky-luc-an-tuong-trong-nam-2018.jpg

    Năm 2018 là năm thiết lập những kỷ lục ấn tượng của kinh tế Việt Nam. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017 - mức tăng cao nhất 11 năm qua; đạt kỷ lục xuất siêu với 7,21 tỷ USD; giải ngân FDI đạt kỷ lục 19,1 tỷ USD và lạm phát trong tầm kiểm soát.


    1. GDP tăng 7,08% đạt mức kỷ lục của 11 năm

    Theo số liệu báo cáo của Tổng cục thống kê, GDP năm 2018 tăng 7,08% vượt mức mục tiêu 6,7%. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2008 đến nay.

    Đóng góp của từng khu vực kinh tế như sau:

    (1) Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua và đã đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế 2018.

    Với mức tăng trưởng ấn tượng này cho thấy việc chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, việc mở rộng thị trường xuất khẩu và ổn định trong giá bán là những động lực chính thúc đẩy khu vực này gia tăng sản xuất.

    Trong đó, ngành nông nghiệp với mức tăng 2,89% tiếp tục có sự phục hồi rõ nét, đây là mức cao nhất trong giai đoạn 2012-2018. Ngành thủy sản tăng trưởng khá tốt đạt được 6,46%. Ngành lâm nghiệp chiếm tỷ trọng thấp nhất trong khu vực này và cũng có mức tăng tích cực với 6,01%

    (2) Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong năm nay.

    Trong đó, điểm sáng của khu vực này là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành này cũng là động lực chính của tăng trưởng với tỷ lệ tăng cao 12,98%. Mặc dù mức tăng này so với cùng kỳ năm trước thấp hơn nhưng so với giai đoạn trước lại cao hơn.

    Ngành khai thác khoáng sản và tài nguyên có năm thứ 3 liên tiếp tăng trưởng âm, giảm 3,11% trong năm 2018 (con số này đã thu hẹp hơn so với năm trước). Điều này thể hiện nền kinh tế trong nước đã không phụ thuộc vào hoạt động khai thác khoáng sản và tài nguyên.

    Ngành xây dựng trong năm qua duy trì được mức tăng trưởng khá với mức tăng 9,16%.

    (3) Khu vực dịch vụ tăng 7,03% tuy thấp hơn mức 7,44% của năm trước nhưng cao hơn mức tăng trong giai đoạn 2012-2016. Khu vực này đóng góp 42,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế trong 2018.

    Trong đó các ngành có tỷ trọng đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP 2018 như sau: Bán buôn, bán lẻ có tốc độ tăng cao nhất 8,51% so với năm trước và ngành này có đóng góp lớn nhất vào mức tăng GDP trong khu vực dịch vụ. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%. Dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,78%. Vận tải, kho bãi tăng 7,85%. Hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,33%.

    Độ mở của kinh tế Việt Nam ngày càng lớn, trong năm 2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đạt 208,6% so với GDP, cho thấy nước ta đã khai thác được thế mạnh của nền kinh tế trong nước và tranh thủ được thị trường thế giới.

    Nhờ vào việc duy trì được tốc độ tăng trưởng khá nên quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng thêm. Trong năm 2018, GDP theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm nay ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm trước.

    Có sự chuyển dịch tích cực của cơ cấu kinh tế trong nước với xu hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và ngành dịch vụ, đồng thời giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Trong năm nay, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,57% GDP; công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28% GDP; khu vực dịch vụ chiếm 41,17% GDP; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% GDP.

    2. Xuất siêu phá kỷ lục với 7,21 tỷ USD

    Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm trước.

    Kim ngạch nhập khẩu năm 2018 ước đạt 237,5 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.

    Ước tính cho toàn năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tạo được mức kỷ lục mới với 482,2 tỷ USD.

    Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD. Năm 2018 đã đạt được kỷ lục về giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay, cao hơn rất nhiều mức xuất siêu 2,1 tỷ USD của năm 2017.

    (1) Về xuất khẩu, có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (chiếm 58,3%).

    5 mặt hàng gồm: Đứng đầu là điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%. Tiếp theo là hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD (tăng 16,6%); Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD (tăng 13,4%); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD (tăng 28%); Giày dép đạt 16,3 tỷ USD (tăng 11%).

    Đồng thời cũng ghi nhận mức tăng khá ở các mặt hàng như: thủy sản đạt 8,8 tỷ USD; rau quả đạt 3,8 tỷ USD; cà phê đạt 3,5 tỷ USD. Trong đó một số mặt hàng nông sản có sản lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm dẫn đến giá trị kim ngạch xuất khẩu giảm so với năm 2017, cụ thể hạt điều có giá trị xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, giảm 3,9%; cao su đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,1%.

    Đối với mặt hàng dầu thô vẫn tiếp tục sụt giảm mạnh về sản lượng lẫn kim ngạch xuất khẩu so với năm 2017.

    Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế về tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực, chủ yếu với các mặt hàng như điện thoại và linh kiện (chiếm 99,7%); Điện tử, máy tính và linh kiện (chiếm 95,6%); Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng (chiếm 89,1%); Hàng dệt may (chiếm 59,9%).

    Trong năm 2018, thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta là Mỹ với kim ngạch đạt 47,5 tỷ USD (tăng 14,2% so với cùng kỳ). Theo sau là thị trường EU đạt 42,5 tỷ USD (tăng 11%); Thị trường Trung Quốc đạt 41,9 tỷ USD (tăng 18,5%); ASEAN đạt 24,7 tỷ USD (tăng 13,7%); Nhật Bản đạt 19 tỷ USD (tăng 12,9%)...

    (2) Về nhập khẩu, có 36 mặt hàng kim ngạch nhập khẩu ước tính đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch. Trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD là điện tử, máy tính, linh kiện, máy móc thiết bị, điện thoại điện tử và vải. Riêng sắt thép, chất dẻo nhập khẩu xấp xỉ 10 tỷ USD.

    3. Giải ngân FDI đạt kỷ lục với 19,1 tỷ USD

    Trong năm 2018, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 19,1 tỷ USD, phá kỷ lục của năm 2017 là 17,5 tỷ USD, tăng 9,1%.

    Tính cho cả năm nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm trước.

    Trong đó, có:

    3.046 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới gần 18 tỷ USD.

    1.169 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn tăng thêm 7,5 tỷ USD.

    6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 9,89 tỷ USD.​

    Trong năm 2018, dòng vốn FDI đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực. Trong đó lĩnh vực nhận được sự quan tâm nhiều nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo với 16,5 tỷ USD, chiếm 46,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

    Kế đến là lĩnh vực bất động sản với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ USD; chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Xếp ở vị trí thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,67 tỷ USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

    Có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Đứng đầu là Nhật Bản với 8,59 tỷ USD, theo sau là Hàn Quốc với 7,2 tỷ USD, Singapore với 5 tỷ USD.

    Thu hút nhiều vốn FDI nhất là Hà Nội với tổng số vốn đăng ký là 7,5 tỷ USD, tiếp theo là TP.Hồ Chí Minh với 5,9 tỷ USD và Hải Phòng là 3,1 tỷ USD.

    4. Lạm phát được kiểm soát, CPI năm 2018 tăng 3,54%

    CPI bình quân của năm nay tăng 3,54% so với năm ngoái, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Riêng CPI của tháng 12/2018 tăng 2,98% so với cùng kỳ 2017.

    Lạm phát chung trong năm 2018 có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản cho thấy biến động giá chủ yếu từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và các yếu tố điều hành giá khác như giá dịch vụ y tế, giáo dục.

    Lạm phát cơ bản thấp hơn mức mục tiêu 1,6% thể hiện chính sách tiền tệ được điều hành ổn định.
    Chỉ số giá vàng bình quân năm 2018 tăng 2,36% so với năm 2017.

    Chỉ số giá USD bình quân năm 2018 tăng 1,29% so với năm 2017.

    Nguồn: Tổng cục thống kê
    Xem thêm:

    >> Thị trường chứng khoán Việt Nam nằm trong top biến động mạnh nhất thế giới trong năm 2018
     
  2. Đang tải...


Lượt bình luận : 0

Chia sẻ trang này