Phương pháp sử dụng kênh giá để biết đếm sóng đúng hay không ?

Thảo luận trong 'Chuyên mục nguyên lý sóng Elliott' bắt đầu bởi Bảo Khánh, 11/8/19.

Lượt xem : 4,345

  1. Bảo Khánh

    Bảo Khánh Chứng sỹ

    Tham gia ngày:
    23/10/18
    Bài viết:
    890
    Đã được thích:
    1,452
    phuong-phap-su-dung-kenh-gia-de-biet-dem-song-dung-hay-khong-kakata.png
    Một trong những hạn chế lớn nhất của những nhà đầu tư và nhà giao dịch sử dụng phương pháp Elliott để mua cổ phiếu là lạc lối trong việc đếm sóng. Nói một cách dễ hiểu là họ không biết là có đếm đúng sóng hay không? Trong tất cả các kịch bản xảy ra thì kịch bản nào đúng? Có cách nào để xác nhận hay không?

    May mắn là trên thị trường có rất nhiều công cụ để hỗ trợ cho chúng ta khi sử dụng nguyên lý sóng Elliott để tránh việc mò mẫm dẫn đến những sai lầm mang tính chủ quan. Tôi đã chia sẻ với anh em nhà đầu tư sử dụng RSI để xác nhận đếm sóng ở bài trước rồi, anh em có thể tham khảo thêm tại đây:

    >> Sử dụng RSI để hỗ trợ đếm sóng Elliott - Phần 1

    Ngày hôm nay sẽ là một phương pháp khác, không kém phần hiệu quả. Đặc biệt là nó có thể đơn giản hóa những sự phức tạp mà chúng ta tự nghĩ ra khi đếm sóng Elliott.

    Phương pháp mà tôi sắp chia sẻ đây được nhà phân tích kỳ cựu Mr. Jeffrey Kennedy tại EWI phát triển. Ông đưa ra ba khái niệm Base Channel, Acceleration Channel và Deceleration Channel để cải thiện độ chính xác khi mua bán với Elliott. Để nghiên cứu sâu hơn, nhà đầu tư có thể mua thêm sách của ông hoặc tìm trên Google những khái niệm này nhé. Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ những hiểu biết này để anh em có thể áp dụng vào thị trường một cách tốt nhất.

    Lý thuyết của Mr. Jeffrey Kennedy đơn giản chỉ là: năm sóng chỉ quanh đi quẩn lại trong 3 kênh giá này, một khi giá ra khỏi 1 kênh nào đó là dấu hiệu của sóng cũ kết thúc và một sóng mới hình thành.

    Sau đây là 3 kênh giá mà chúng ta sẽ thảo luận:

    phuong-phap-su-dung-kenh-gia-de-biet-dem-song-dung-hay-khong-kakata-1.png

    KÊNH GIÁ CƠ BẢN - BASE CHANNEL

    phuong-phap-su-dung-kenh-gia-de-biet-dem-song-dung-hay-khong-kakata-2.png

    Kênh giá cơ bản chính là hình thứ nhất từ bên trái qua, biên dưới tạo bởi điểm bắt đầu của sóng 1 và điểm cuối của sóng 2. Biên trên của kênh giá là đường song sóng với biên dưới của sóng 1.

    Trong 3 kênh thì kênh này quan trọng nhất bởi vì nó xác định xu hướng hiện tại của thị trường. Qua nhiều năm nghiên cứu thì người ta thấy rằng đa phần các mẫu hình sóng chỉnh đều nằm trong kênh giá cơ bản - Base Channel này.

    Sóng 2 và sóng 4 thường nằm trong kênh giá này, thậm chí là kết thúc cũng trong kênh giá này. Do đó, khi chúng ta thấy giá hiện tại đang nằm trong kênh này, bạn có thể yên tâm mà khẳng định (dĩ nhiên là một cách tương đối thôi) rằng hiện tại giá đang là sóng 2 hoặc sóng 4 và chờ hình thành sóng 3 hoặc sóng 5.

    Chỉ khi giá thoát ra khỏi kênh này thì mới xác nhận rằng sóng đẩy (Sóng 3, sóng 5) đã hình thành. Như vậy, khi giá thoát ra khỏi Base Channel, nhà đầu tư hoàn toàn có thể yên tâm giá hiện tại đang là sóng 3 hoặc 5.

    Lúc này, một kênh khác ra đời, đó là kênh tăng tốc - Acceleration Channel).

    KÊNH GIÁ TĂNG TỐC - ACCELERATION CHANNEL

    Sóng 3 sẽ nằm trong kênh này, hay nói một cách dễ hiểu đây là kênh của sóng 3. Nhà đầu tư vẽ kênh này bằng cách sử dụng điểm kết thúc của sóng 1 kẻ một đường thẳng đi qua một điểm đảo chiều kế tiếp (có thể là sóng 3.1) để tạo thành biên trên của kênh giá, biên dưới là đường thẳng song song với biên trên và bắt đầu từ điểm cuối sóng 2.

    phuong-phap-su-dung-kenh-gia-de-biet-dem-song-dung-hay-khong-kakata-3.png

    Khi sóng 3 quá dốc, di chuyển quá nhanh thì kênh tăng tốc có thể sẽ điều chỉnh theo để phù hợp (nhất là khi sóng 3 là sóng extension). Do đây là kênh của sóng 3, nên khi giá điều chỉnh và rớt ra khỏi kênh (cụ thể là biên dưới) thì sóng 3 được xác nhận là kết thúc và sóng 4 hình thành. Như đã nói ở trên, sóng 4 sẽ trở về kênh cơ bản và kết thúc trong kênh cơ bản. Chúng ta có thể kỳ vọng sóng 5 bắt đầu tại kênh cơ bản.

    KÊNH GIẢM TỐC - DECELERATION CHANNEL

    phuong-phap-su-dung-kenh-gia-de-biet-dem-song-dung-hay-khong-kakata-4.png

    Nếu kênh tăng tốc là kênh của sóng 3 thì kênh giảm tốc lại là kênh của sóng 4.

    Nếu sóng 4 là một con sóng Zigzag chẳng hạn. Thì để vẽ kênh giảm tốc này, trước tiên bạn cần phải có điểm cuối cùng của sóng 3. Một điểm nữa chính là đỉnh (đáy) của một con sóng nhỏ trong con sóng 4, tức là sóng B. Nối chúng lại thì được biên trên, vẽ một đường song song đi qua điểm cuối của sóng A thì được biên dưới. Như vậy, sóng 4 sẽ dao động bên trong kênh này.

    Một khi giá xuyên qua khỏi kênh giảm tốc - deceleration channel, chúng ta có thể xem như sóng 4 kết thúc và sóng 5 đã hình thành.

    Tôi xin tóm tắt lại cách mà nhà đầu tư chứng khoán sẽ sử dụng 3 kênh giá này để xác nhận từng con sóng như sau:

    1. Sóng 1 và 2 nằm trong kênh cơ bản. Khi giá xuyên qua kênh cơ bản thì sóng 3 được xác nhận.

    2. Sóng 3 nằm trong kênh tăng tốc. Khi giá xuyên qua kênh tăng tốc thì sóng 3 kết thúc, sóng 4 được xác nhận.

    3. Sóng 4 nằm trong kênh giảm tốc. Sóng 4 sẽ kết thúc trong kênh cơ bản. Sóng 5 sẽ được xác nhận khi giá xuyên qua kênh giảm tốc.

    Phần tóm tắt cũng là nội dung cuối cùng kết thúc bài viết này. Một lưu ý nữa cho nhà đầu tư là phương pháp của Mr. Jeffrey Kennedy cũng như bao phương pháp, nó cũng mang tính chất tương đối và dĩ nhiên sẽ có ngoại lệ, không phải lúc nào sóng Elliott cũng sẽ tuân theo như vậy. Do đó, nhà đầu tư chỉ nên sử dụng nó để kết hợp với kiến thức và kinh nghiệm của mình thay vì hoàn toàn dựa vào nó nhé.

    Tài liệu tham khảo: marketoracle.co.uk/Article61002.html​

    Dưới đây là video thể hiện nội dung bài viết:

    Xem thêm:

    >> Chuyên mục nguyên lý sóng Elliott
     
  2. Đang tải...


Lượt bình luận : 0

Chia sẻ trang này